Nguyên nhân thớt gỗ Nghiến bị nứt và cách sử dụng

Thớt gỗ Nghiến được đánh giá là một trong những loại thớt gỗ có độ bền rất cao, nhưng nếu sử dụng không đúng cách thì dù thớt chất lượng tốt cũng sẽ xuống cấp và hư hỏng. Vậy đối với thớt gỗ nghiến thì nguyên nhân do đâu thớt bị nứt, xuống cấp? Tìm hiểu những nguyên nhân dưới đây để khắc phục tránh làm thớt gỗ nghiến của gia đình mình xuống cấp nhé!

1. Những nguyên nhân thớt gỗ nghiến xuống cấp

+ Ngâm nước muối cho thớt gỗ nghiến mới

Theo kinh nghiệm dân gian truyền tai nhau là thớt gỗ mới mua về nên đem ngâm với nước muối loãng để tăng độ bền cho thớt. Tuy nhiên, đối với thớt gỗ nghiến do đặc tính háo nước, nên việc ngâm thớt gỗ nghiến với nước muối thì sau khi nước muối bốc hơi sẽ khiến cho bề mặt thớt bị khô nhanh, sự chênh lệch độ ẩm từ trong gỗ và bề mặt nên dễ dẫn tới tình trạng thớt gỗ bị nứt. Do đó, khuyến cáo bạn không nên áp dụng cách này đối với thớt gỗ nghiến nếu không muốn thớt nhanh hỏng nhé.



+ Để thớt trong môi trường khô, nóng và tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời

Nếu trong quá trình sử dụng mà bạn để thớt gỗ trong điều kiện khô nóng trong tự nhiên sẽ xảy ra hiện tượng rạn nứt. Đối với bất kỳ vật dụng nội thất bằng gỗ nào cũng vậy, nếu để tiếp xúc với nắng nóng thường xuyên chắc chắn sẽ bị xuống cấp, nứt vỡ.

Lời khuyên dành cho chị em nội trợ là nên mua thớt về nấu nướng và sử dụng thường xuyên để giữ độ ẩm cho thớt. Đối với những gia đình không sử dụng thớt thường xuyên thì cần rửa sạch thớt, bọc nilon kín lại và cất ở nơi tránh ánh nắng mặt trời hoặc ở nơi có nhiệt độ cao.

+ Lựa chọn kích thước và sử dụng không đúng mục đích

Một nguyên nhân chủ quan nữa cũng khiến cho thớt gỗ nghiến bị nứt, xuống cấp là do không chọn đúng kích thước thớt theo mục đích sử dụng. Theo đó, đối với những loại thớt có đường kính 20, 25, 30cm thường thích hợp để cắt, thái thịt, rau củ. Tuy nhiên, loại thớt kích cỡ này sẽ không thích hợp dùng để băm chặt xương vì khả năng chịu lực không tốt sẽ làm thớt nhanh bị hư hỏng hơn. Vì vậy, nên chọn loại thớt gỗ dày và kích cỡ lớn hơn dùng cho mục đích băm chặt thức ăn nhé.



2. Hướng dẫn cách tăng độ bền cho thớt gỗ

2.1. Khử trùng thớt gỗ thường xuyên

Để tăng độ bền cho thớt gỗ thì cứ khoảng vài tuần bạn nên thực hiện khử trùng thớt gỗ để mặt thớt luôn sạch sẽ, an toàn và duy trì độ bền sử dụng. Cách khử trùng cũng đơn giản bạn chỉ cần rắc một ít muối lên bề mặt thớt, sau đó cho ½ quả chanh chà lên thớt, sau đó rửa sạch và lau bằng khăn mềm, như vậy sẽ giúp làm sạch và chống vi khuẩn trên thớt hiệu quả. 

Riêng đối với thớt sử dụng lâu ngày có mùi hôi khó chịu, thay vì sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa rất có hại thì bạn có thể khử mùi từ các nguyên liệu thiên nhiên. Cụ thể, bạn dùng chanh, muối, giấm trắng, nước sôi chà rửa thớt rồi đem phơi nơi khô thoáng. Cách làm này không chỉ khử được mùi hôi khó chịu mà còn ngăn được nấm mốc xuất hiện trên mặt thớt.



2.2. Những lưu ý khi sử dụng thớt gỗ

+ Nên rửa sạch thớt ngay sau mỗi lần sử dụng, rửa bằng ít nước rửa chén và chanh tươi. Sau đó lau khô và treo thớt ở nơi khô thoáng, tránh để sát vào bề mặt tường để ngăn nấm mốc.

+ Khi sử dụng thớt để cắt thái hoặc băm chặt thức ăn không nên ấn dao quá mạnh vì sẽ để lại vết hằn trên mặt thớt, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người sử dụng.

+ Khi mặt thớt có dấu hiệu bị ố, ngả vàng thì bạn đem ngâm thớt trong giấm, nước cốt chanh trong khoảng 2 giờ, sau đó rửa lại bằng nước rửa chén, tráng qua nước sôi sẽ giúp tăng độ bền cho thớt.

+ Nên có ít nhất 2 chiếc thớt sử dụng chế biến thức ăn sống và chín riêng. Nếu dùng chung tốt nhất nên tráng qua nước sôi trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.

Nắm được cách sử dụng thớt gỗ sẽ giúp chị em nội trợ nấu được những bữa ăn ngoan, an toàn chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của cả gia đình. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn cập nhật thêm những kiến thức hữu ích cho mình nhé.

T.H