Những nguy hại từ chiếc thớt không an toàn

Thớt được xem là một công cụ không thể thiếu đối với các bà nội trợ. Thế nhưng, ít các bà nội trợ lại chú ý đến vệ sinh thớt đúng cách, đây chính là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh về đường tiêu hóa.

Dù thường xuyên sử dụng nhưng mấy ai phát hiện được những thực thể nhỏ xíu trên bề mặt thớt. Chính những thứ khó nhìn thấy này lại là những vật thể sẽ tiếp xúc với thức ăn, theo thức ăn đi trực tiếp vào cơ thể chúng ta. Những bệnh có nguy cơ xảy ra khi sử dụng thớt gỗ không hợp vệ sinh:

Nguy cơ nhiễm khuẩn chéo
Nguy cơ lớn nhất của việc sử dụng thớt không đúng cách là “nhiễm khuẩn chéo” vì vậy, mỗi gian bếp nên trang bị ba chiếc thớt để sử dụng cho các mục đích khác nhau. Một cho thực phẩm tươi sống, một cho thực phẩm đã nấu chín, và một dùng cho trái cây hoặc rau quả ăn liền. Gia đình nào có con nhỏ cũng nên trang bị một chiếc thớt dành riêng cho em bé để đảm bảo vệ sinh, vì đường tiêu hóa của bé rất nhạy cảm.


Trong thực phẩm sống, có rất nhiều vi sinh vật, khi được đặt trên thớt để chế biến chúng sẽ ung dung chuyển đến cư ngụ trên mặt thớt và sẽ xâm nhập vào cơ thể nếu lại dùng thớt đó để cắt thực phẩm chín. Và ngay cả khi thực phẩm đã nấu chín thì các độc tố do vi sinh vật tiết ra vẫn tồn tại, dẫn đến các bệnh lý thường gặp là nhiễm trùng tiêu hóa, ngộ độc thức ăn... Ký sinh trùng ngoài gây ngộ độc cấp, cũng có thể chui lên não, lên gan gây vàng da, u não...

Nguy cơ sốc phản vệ

Trên thị trường hiện nay, thớt rất đa dạng về mẫu mã, màu sắc, công dụng… và được làm từ nhiều loại chất liệu như gỗ, nhựa, thủy tinh v.v… Nhưng dù được làm từ chất liệu nào thì trong quá trình sử dụng sẽ xuất hiện nhiều vụn gỗ hay vụn nhựa… Nếu vụn gỗ thì còn tạm yên tâm vì là thực vật, nhưng nếu là vụn nhựa là hóa chất thì sẽ rất nguy hại, nhẹ thì nổi vài vết mẩn ngứa, nặng hơn nữa thì tiêu chảy, khó thở hay thậm chí bị sốc phản vệ…

Nguy cơ nhiễm trùng, ngộ độc, ung thư
Nhóm ngụ cư thứ ba là nấm mốc. Bản thân nấm mốc cũng gây bệnh, nhưng đáng sợ nhất là độc tố do nấm mốc sinh ra, gây nên tình trạng ngộ độc mãn tính, thậm chí có thể chuyển thành ung thư. Kể cả thớt gỗ sử dụng lâu ngày và bảo quản không đúng cách cũng ngả màu đen, thâm mốc hoặc có mùi lạ… Đặc biệt, nấm mốc khoái sống trên các thớt ẩm ướt và nứt nẻ. Vì vậy luôn phải giữ thớt khô ráo, tốt nhất là dựng hoặc treo lên sau mỗi lần dùng. Và chúng ta đừng nên tiết kiệm không thay thớt mới vì nó sẽ rất rẻ so với chi phí khám chữa bệnh…



Sau khi dùng thớt, phải dùng nước rửa chén và nước sạch để rửa rồi dựng hoặc treo lên cho ráo. Thỉnh thoảng nên rắc một ít muối lên bề mặt thớt, sau đó dùng 1/2 trái chanh chà lên thớt rồi rửa lại với nước sạch.

Lời khuyên từ các chuyên gia
- Chỉ nên mua sản phẩm có địa chỉ, nguồn gốc, thành phần nguyên liệu rõ ràng.
- Tuyệt đối không chọn những sản phẩm chỉ ghi thông tin chung chung, lập lờ hoặc tên công ty là Việt Nam nhưng nội dung toàn tiếng nước ngoài.
- Cẩn thận không mua những loại thớt gỗ giá rẻ có phủ một lớp sơn bằng màu lên trên bề mặt, vì đây là cách để nhà sản xuất che giấu các vết nứt hoặc thâm mốc bên dưới; Cẩn thận không mua cả những loại thớt nhựa giá rẻ vì chúng được sản xuất từ nhựa tái chế rất độc hại.
- Nên thay thớt định kỳ 3 - 6 tháng/ lần, tùy theo mức độ sử dụng thớt nhiều hay ít, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình.