Nên dùng thớt gỗ hay thớt nhựa?

Nên dùng thớt gỗ hay thớt nhựa? Thớt gỗ tốt hơn cho sức khỏe hay thớt nhựa mới là đáp án chính xác? Một vài chia sẻ ngay trong bài viết dưới đây sẽ giúp mang lại cho bạn câu trả lời.

1. Thớt gỗ



So với thớt nhựa thì thớt gỗ có tuổi thọ sử dụng cao hơn. Bên cạnh đó thì nghiên cứu của các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng bề mặt của thớt gỗ có lượng ít vi khuẩn lưu lại hơn là thớt nhựa. Khi bề mặt thớt gỗ bị hỏng, xuất hiện các rãnh sâu do vết cắt/chặt của dao để lại thì có thể gia công lại (bào phẳng) và tiếp tục sử dụng).

Nhược điểm của thớt gỗ là có trọng lượng nặng hơn so với thớt nhựa, khá bất tiện khi di chuyển, vệ sinh hoặc muốn treo lên cao. Sau mỗi lần sử dụng, thớt gỗ yêu cầu phải được vệ sinh kỹ càng hơn, việc vệ sinh không thể tiến hành bằng máy rửa bát. 

Ngoài ra, nếu thớt gỗ càng dày thì càng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn cho việc vệ sinh. Sau khi vệ sinh, bề mặt thớt cần phải được lau khô ngay, nếu để ẩm thì sẽ tạo môi trường cho sự phát triển, sinh sôi của các loại vi khuẩn gây bệnh.

2. Thớt nhựa



Thớt nhựa có trọng lượng nhẹ hơn so với thớt gỗ, giá cả cũng rẻ hơn, việc vệ sinh, lau chùi cũng dễ hơn và có thể cho vào máy rửa bát để giải phóng sức lao động.

Sau một thời gian sử dụng, bề mặt thớt nhựa sẽ xuất hiện nhiều vết cắt do dao để lại, nhưng khác với thớt gỗ là không thể gia công lại mà phải mua mới. Do đó nếu có tần suất sử dụng thường xuyên thì tuổi thọ sử dụng của thớt nhựa sẽ không thể sánh bằng thớt gỗ.

3. Thớt gỗ hay thớt nhựa an toàn hơn cho sức khỏe?

+ Thớt nhựa dễ vệ sinh và mau khô hơn, trông có vẻ sạch sẽ hơn, nhưng thực tế lại ẩn chứa nhiều vi khuẩn hơn. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng sau một đêm, vi khuẩn trong các vết lõm có trên thớt nhựa phát triển mạnh hơn so với thớt gỗ. 

Theo đó, các nhà khoa học thuộc đại học Wisconsin đã chứng minh rằng. các vi khuẩn, trong đó bao gồm nhóm Salmonella gây bệnh đường tiêu hóa không có nhiều cơ hội sống sót, tồn tại trên bề mặt thớt gỗ khi để qua đêm. Ngược lại thì trên thớt nhựa, các vi khuẩn này có khả năng phát triển và nhân rộng rất mạnh.

+ Kết quả của một cuộc khảo sát khác cũng cho thấy, những người sử dụng thớt nhựa dễ mắc bệnh hơn so với người sử dụng thớt gỗ. Thớt nhựa càng cũ, mòn và có nhiều vết lõm thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện và phát triển của các mầm bệnh.

Chính vì những lý do trên nên các chuyên gia khuyến cáo người dùng rằng chỉ nên dùng thớt nhựa để cắt thịt sống bởi, loại thớt này cho phép rửa trong máy rửa bát dưới tác động của nhiệt độ cao, vi khuẩn gây bệnh vì thế sẽ được loại bỏ. Còn với thớt gỗ thì chúng ta nên ưu tiên sử dụng để thái đồ ăn chín, các thực phẩm ăn liền.

Với những phân tích như đã chia sẻ ở trên, nếu bạn là người muốn sự thuận tiện trong quá trình vệ sinh, không thường xuyên dùng thớt hàng ngày thì thớt nhựa sẽ là sự lựa chọn phù hợp. Còn với những người thường xuyên sử dụng thớt hàng ngày, sử dụng với tần suất liên tục thì tốt hơn hết nên đầu tư thớt gỗ để dùng được lâu hơn, đảm bảo vệ sinh hơn.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thớt

+ Dù là thớt gỗ hay thớt nhựa thì đều sẽ có chứa vi khuẩn. Do đó để giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa bệnh tật thì tốt hơn hết là nên rửa thớt kỹ với xà phòng, nước nóng trước và sau khi chế biến thức ăn.

+ Thớt sau khi được vệ sinh xong nên lau khô bằng vải sạch, để nơi thoáng khí, không để nơi ẩm ướt, bí bách hoặc xếp các tấm thớt ướt kề nhau.

+ Nên có 2 chiếc thớt để sử dụng riêng cho việc chế biến đồ ăn chín và đồ ăn sống.

+ Nên thay mới khi thớt đã cũ và xuất hiện nhiều rãnh mòn.

ĐT